Nằm cách trung tâm xã về phía tây khoảng hơn 1km, trên trục đường đến bãi biển Đầu Rồng, Đình Cái Chiên là nơi thờ thần Thành hoàng làng, một điểm tín ngưỡng của người dân trên đảo. Đình nằm ở địa thế rất đẹp, lưng tựa vào núi, bên phải là mặt hồ Khe Đình, đằng trước hướng ra biển. Vào tháng 5/2018 Đình Cái Chiên cùng với di tich Miếu Ông – Miếu Bà – Miếu Quan Lớn đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Khẳng định nơi đây có một bề dầy lịch sử gắn với quá trình hình thành và phát triển của xã đảo Cái Chiên.
ông Trần Văn Tài – thủ nhang tại Đình, người nhiều năm được tham gia lễ hội Đình Cái Chiên làm lễ cúng trong Đình.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, vào thế kỷ XVIII, nhân dân làng Cái Chiên dựng một một ngôi nhà nhỏ ở khu vực Gồ Tròn, phía trước Đình hiện nay để thờ Thành Hoàng Làng. Do diện tích đất hẹp nên sau đó đình được chuyển địa điểm khác gọi là Gồ Đình. Tại đây, Đình được xây dựng với 3 gian 2 chái tiền đường và 3 gian hậu cung, kèo được làm bằng gỗ lim, tường xây gạch đỏ, đằng trước có 4 cột gạch gọi là cổng đình. Mỗi lần tổ chức lễ hội, do diện tích đất hẹp nên không đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong xã và các xã lân cận. Đến năm 1942 dân làng lại chuyển Đình đến nơi khác, ngay phía sau ngôi đình thứ 2, sát chân núi có mặt bằng rộng hơn.
Đình có địa thế rất đẹp, bên phải là hồ nước, trước mặt là Gồ Đình cũ, nay được xây là biểu tượng kỷ niệm 70 năm Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hải Hà.
Vị trí nơi này rất đẹp, có thể ví là non nước hữu tình, phía sau đình có có một dãy núi với 3 ngọn núi nổi lên, bên trái Đình có khe Giếng Đụn chảy đêm ngày không bao giờ cạn và có khu ruộng lúa. Bên phải Đình cũng có một giếng nước tự nhiên chảy từ khe núi ra, rất trong mát, nhân dân ở đây gọi là giếng Đình hay Khe Đình. Do đắp đập ngăn nước tưới tiêu của xã, tạo thành hồ nước lớn nên giếng này không còn. Tại vị trí thứ 3 này, Đình được xây theo kiểu chữ Đinh giống như ngôi đình thứ 2, quay hướng Nam, do thợ từ Thanh Hóa ra làm. Tường được xây bằng gạch đỏ, mái lợp ngói lòng máng màu ghi xám, do nhân dân ở đây tự làm. Mái Đình có 4 góc uốn cong, có hình đầu Rồng, trên đỉnh mái có hai con rồng uốn lượn và một hình mặt trời ở giữa hai con rồng, ở hai góc mái đình có hình đầu con Lân và bờ dải có hình con Nghê, trên thân các con này đều được gắn các mảnh gốm sứ. Đình này không có cổng như ngôi đình thứ 2. Có một cửa ra vào ở gian giữa bằng gỗ có ba cánh đẩy, không có bản lề, hai gian bên có cửa sổ tròn hình chữ Thọ. Để vào được trong Đình phải bước qua bậc gỗ cao khoảng 30cm. Toàn bộ cửa ra vào, cột kèo đều được làm bằng gỗ Lim.
Lễ hội đình Cái Chiên trước đây được tổ chức từ ngày 16 đến 20 tháng giêng hàng năm với nhiều nghi lễ: lễ cáo yết, lễ rước Thành hoàng, lễ nhập tịch, lễ an vị, lễ ngồi đình của các chức sắc quan viên... đặc biệt là nghi lễ hát thờ thần (hát cửa đình) trước khi tế Thành hoàng và lễ dâng cỗ tế Thành hoàng. Trong 4 ngày đầu diễn ra lễ hội, mỗi thôn tế một ngày, trong ngày đó mỗi hộ gia đình phải có 1 mâm cỗ dâng lên tế Thành hoàng.
Phần hội có các trò chơi, diễn xướng dân gian như: Tổ tôm, cờ tướng, kéo co, hát nhà tơ, hát cửa đình, hát đối... Lễ hội không chỉ giới hạn trong phạm vi xã Cái Chiên mà còn thu hút được nhân dân ở Vĩnh Thực, Đầm Hà tham gia thi hát.
Trải qua thời gian, do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, Đình Cái Chiên không còn được nguyên vẹn. Đến năm 1995, nhân dân dựng lại một gian nhà nhỏ trên nền hậu cung của đình Cái Chiên để thờ Thành hoàng. Hiện nay, tại khu vực đình Cái Chiên vẫn còn nguyên vẹn nền móng của ngôi đình cổ, một số đoạn tường bao của gian hậu cung, 1 tảng đá kê chân cột, 1 bát hương gốm sành có niên đại khoảng cuối thế kỷ thứ XVIII, 1 viên gạch vuông lát nền, 1 đài gỗ,1 cây đèn sứ, 1 mô hình đầu con rồng gắn trên bờ nóc, 1 mô hình đầu con lân gắn ở góc mái, 1 cây thượng lương gỗ khắc dòng chữ Hán Nôm ghi lại thời gian cất nóc đình (giờ Đinh Tỵ, ngày 20/7/1942). Ngoài bát hương, còn lại tất cả các di vật trên đều có niên đại thời Nguyễn.
Một số dấu tích còn sót lại tại Đình Cái Chiên hiện nay.
Đặc biệt, nhân dân xã Cái Chiên vẫn còn lưu giữ được 1 quyển sách Hán Nôm viết năm 1897, ghi tên các vị Thành hoàng và các bài văn cúng tế Thành hoàng trong lễ hội đình Cái Chiên. Tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội có 1 quyển Hương ước chép năm 1937, ghi lại các quy định và sự lệ của làng Cái Chiên, châu Hà Cối, tỉnh Hải Ninh. Đây là những tư liệu, hiện vật vô cùng giá trị, khẳng định dấu ấn văn hóa của nhân dân xã đảo Cái Chiên.
Một điều đặc biệt đối nữa đối với Đình Cái Chiên, đây còn là nơi đóng quân và hoạt động cách mạng an toàn của quân và dân ta trên đảo, là nơi thành lập Đội tự vệ vũ trang của xã, tổ chức lớp học xóa mù chữ cho dân trên đảo, là nơi bỏ phiểu bầu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bầu Ủy ban kháng chiến, Bầu Ủy ban hành chính kháng chiến… Và là nơi diễn ra lễ kết nạp lớp Đảng Viên đầu tiên của các xã miền biển Hà Cối gồm: xã Cái Chiên, Xã Phú Hải, xã Tiến Tới.
Năm 1948, cũng chính là nơi thành lập Chi Bộ Đảng miền Duyên Hải đầu tiên của tỉnh Hải Ninh gồm các xã: Cái Chiên, Xã Phú Hải, xã Tiến Tới (huyện Hải Hà), xã Vĩnh Thực, Vĩnh Trung (nay thuộc TP Móng Cái).
Năm 2018, để kỷ niệm 70 năm thành lập chỉ bộ Đảng đầu tiên, huyện Hải Hà đã xây dựng biểu tượng nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở đồi Tròn, xã Cái Chiên, diện tích xây dựng 6.000m2.
Cái Chiên là nơi có bãi biển đẹp thu hút đông du khách đến đây.
Như vậy, đến Cái Chiên du khách không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, với bờ biển xanh mát, hàng phi lao ngút ngàn. Mà đến đây du khách còn được biết đến những điểm du lịch tâm linh như Đình Cái Chiên, với những dấu tích từ xa xưa để lại, được biết về nơi thành lập Chỉ bộ Đảng đầu tiên của huyện Hải Hà với biểu tượng trên đỉnh Gồ Tròn. Với những trải nghiệm, thăm quan lý thú tại đó.