Hồ Trúc Bài Sơn nằm ở bản Quảng Mới, xã Quảng Sơn huyện Hải Hà cách trung tâm thị trấn Quảng Hà gần 20km, hồ được xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây gần 30 và là một trong những hồ chứ nước lớn nhất của huyện.
Dọc con đường bê tông liên thôn dài gần 20 km nối liền giữa xã Quảng Long và Quảng Sơn, hai bên đường là những vựa chè xanh ngát và những dãy núi điệp trùng của quế, keo đang vươn lên xanh tốt. Vào đến bản Quảng Mới xã Quảng Sơn huyện Hải Hà. Điểm nhấn của bản là vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng của hồ đập Trúc Bài Sơn. Được biết, Hồ có trữ lượng nước lớn với dung tích thiết kế lên đến 15 triệu m3, có khả năng phục vụ tưới tiêu cho khoảng 3.100ha đất sản xuất nông nghiệp, cũng như nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân thuộc 6 xã của huyện Hải Hà. Hệ thống hồ được kết cấu chủ yếu là đất và được kè lát đá phía thượng lưu.
Du khách du thuyền thưởng ngoại vẻ đẹp xung quanh lòng Hồ
Nếu nhìn từ trên cao xuống, chúng ta sẽ thấy hồ được bao bọc với những dãy núi lớn nhỏ, nhấp nhô đa phần là rừng nguyên sinh với những cây dược liệu quý hiếm, hoa rừng nở rộ theo mùa đủ màu sắc phủ xuống lòng hồ và những cánh rừng trồng quế, keo của bà con dân bản. Diện tích lòng hồ Trúc Bài Sơn khá rộng, nước hồ trong xanh, tĩnh lặng, thi thoảng lại có những chú cá nhảy lên kiếm mồi tạo không gian động, tĩnh của một lòng hồ trên núi. Đó là điều ấn tượng thu hút nhiều du khách đến thăm quan và trải nghiệm vẻ đẹp thanh bình, hiếm có của lòng hồ Trúc Bài Sơn. Được biết hàng năm huyện Hải Hà thực hiện thả cá về môi trường tự nhiên, vì vậy lòng hồ còn là nơi lưu trú và sinh sống của nhiều loại cá nước ngọt đây cũng là một những điểm đến của nhiều du khách thích thưởng ngoại thú vui câu cá trên lòng hồ. Những buổi chiều tà, nắng xuyên qua khe núi, hình ảnh bà con đồng bào dân tộc Dao trong bộ sắc phục truyền thống đủ màu sắc đang hăng say phát quang rừng, thu hoạch vụ quế của những dãy núi xung quanh hồ, mặt tĩnh lặng, thi thoảng có những cơn sóng nhỏ gợn theo gió, du khách có thể ngồi trên thuyền máy hoặc thuyền truyền thống đẩy mái trèo thăm quan cảnh đẹp thơ mộng, tự nhiên của hồ trên núi, hoặc câu cá thưởng thức món cá nướng ngay trên những dãy núi ven hồ.
Có một điều đặc biệt khi đến với xã Quảng Sơn, một xã vùng cao niềm núi của huyện Hải Hà có tới trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân nơi đây còn khó khăn về kinh tế, nhưng vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao với lối sống giản dị và phong tục đa màu sắc. Ghé thuyền lên thăm bà con ở bản Lồ Má Coọc, một bản của người dân tộc Dao Thanh Y, xã Quảng Sơn. Bản này có khoảng hơn chục nóc nhà, nằm ngay cạnh lòng hồ. Nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng bởi bà con dân bản ở đây rất thân thiện, hiếu khách, những cái bắt tay niềm nở, nụ cười chào đón, cùng thưởng thức món ăn dân giã đời thường của dân bản như ngô, khoai luộc hay một bát cháo với măng rừng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Hồ Trúc Bài Sơn xã Quảng Sơn huyện Hải Hà vẻ đẹp từ nhiều phía
Một ngày trải nghiệm trên lòng hồ, tận hưởng vẻ đẹp thanh bình, nên thơ của núi rừng tự nhiên chắc chắn sẽ làm bạn xua tan đi mọi âu lo trong cuộc sống, thay vào đó bạn lại có cơ hội được khám phá, tìm hiểu thêm về những nét văn hóa, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, được thưởng ngoại cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ với những con người và mảnh đất nơi đây giàu lòng mến khách. Không chỉ có Hồ đập Trúc Bài Sơn đến với Hải Hà bạn đừng quên ghé thăm đồi chè Quảng Long, nhộn nhịp phố đi bộ Thị trấn Quảng Hà, trải nghiệm miền quê đáng sống ở xã Quảng Minh, Quảng Thành; khám phá vẻ đẹp hoang sơ của xã đảo Cái Chiên và thưởng thức những món ăn nông sản đặc trưng (OCOP) của quê hương tôi, bạn sẽ nhớ về môt Hải Hà “rừng vàng, biển bạc’