Lần thứ 2 trở lại Cái Chiên, tôi vẫn bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của đảo như lần đầu tiên đặt chân đến đây. Cách trung tâm TP Hạ Long hơn 100km đường bộ, Cái Chiên là xã đảo duy nhất của huyện Hải Hà, diện tích đa phần là đồi, núi và bãi biển. Dù là cái tên còn khá mới mẻ trong bản đồ du lịch của Việt Nam, nhưng đối với những người yêu du lịch khám phá, trải nghiệm và thích sự yên bình, thì hòn đảo nhỏ, xinh đẹp này chắc chắn là lựa chọn khó có thể bỏ qua.
Bãi tắm Đầu Rồng hoang sơ, thơ mộng và yên bình.
THIÊN ĐƯỜNG THU NHỎ
May mắn hơn khi lần trở lại này tôi được một người bạn là dân “thổ địa” ở Cái Chiên đồng hành, vì vậy tôi đã được khám phá từng ngóc ngách của Cái Chiên. Càng đi tôi càng thấy được giá trị, vẻ đẹp của đảo - vẻ đẹp yên bình, hoang sơ, thơ mộng. Và quả không sai khi các du khách mỗi khi đến Cái Chiên đều “kháo” nhau rằng, đây như một “thiên đường thu nhỏ” vậy.
Nước biển ở đảo Cái Chiên vô cùng trong xanh.
Khí hậu ở Cái Chiên rất trong lành, không gian yên tĩnh. Những bãi cát trắng tinh, mịn màng, thoai thoải trải dài ngút tầm mắt; nước biển trong veo, xanh biếc. Bất cứ ai đã đến đây đều không thể quên cái cảm giác bềnh bồng khoan khoái khi được đắm mình trong làn nước trong xanh ở bãi biển Đầu Rồng, bãi Cái Chiên 1 và 2; tản bộ giữa những rặng phi lao thẳng tắp, xanh ngắt; nằm võng đung đưa giữa bãi biển để tận hưởng những cơn gió mát từ biển kéo đến.
Rặng phi lao xanh rì, thẳng tắp ở đảo Cái Chiên.
Ngoài 3 bãi tắm trên, Cái Chiên còn có bãi Vạn Cả nổi tiếng là địa điểm “check in” tuyệt vời, với những gềnh đá nhấp nhô, bãi sỏi với vô số các viên sỏi nhỏ muôn vàn sắc màu và hình thù độc đáo… Tất cả được hình thành do sự xói mòn của gió, mưa và dòng chảy, mà từ đấy ta thấy được cái gọi là sức mạnh của tự nhiên được gói ghém trong cụm từ "chỉ có thể là tạo hóa".
Bãi cát trên đảo trắng tinh, mịn màng, thoai thoải, trải dài ngút tầm mắt.
Không chỉ có biển, Cái Chiên còn rất nhiều điều thú vị. Đó là những cánh rừng nguyên sinh xanh mướt; những cánh đồng lúa, bắp, khoai; những món ăn dân dã; những trải nghiệm thú vị cùng ngư dân trên đảo đánh bắt thủy hải sản; những câu chuyện kể và tình cảm nồng hậu, chân chất, mộc mạc của người dân miền biển... Tất cả đều mang đến những trải nghiệm khó quên khi đến với đảo.
Gềnh đá ở bãi Vạn Cả - địa điểm "check in" lý tưởng.
So với lần đầu tôi đến, giờ Cái Chiên đã thay đổi rất nhiều, nhất là từ sau khi điện lưới quốc gia được đưa ra đảo vào đầu năm 2016. Con đường uốn lượn xuyên đảo đã được bê tông hóa; nhiều nhà nghỉ, dịch vụ homestay mọc lên; dân cư trên đảo cũng tăng lên, do trước đây cuộc sống trên đảo khó khăn, nhiều người ly tán nơi khác để phát triển kinh tế, thì giờ đã chọn quay trở lại sinh sống và làm ăn.
Phương tiện đi lại được trang bị nhiều hơn, tạo điều kiện cho nhân dân, du khách ra đảo di chuyển nhanh hơn, thuận lợi hơn. Dù kinh tế - xã hội của đảo có thay đổi, nhưng cảnh đẹp, không gian của Cái Chiên vẫn giữ được vẻ hoang sơ, thơ mộng và yên bình. Có lẽ, vì giữ nét hoang sơ của tự nhiên, nên Cái Chiên vẫn là lựa chọn lý tưởng trong hành trình du lịch của nhiều du khách yêu thích sự yên tĩnh, thích khám phá, trải nghiệm.
Bãi sỏi trên đảo với vô số các viên sỏi nhỏ muôn vàn sắc màu.
GÌN GIỮ VẺ ĐẸP HOANG SƠ
Cái Chiên đang ngày được biết đến nhiều hơn, lượng du khách đến tham quan đảo tăng đáng kể theo từng năm. Năm 2017, đảo thu hút khoảng 50.000 lượt du khách; năm 2018 khoảng trên 55.000 lượt du khách. Tuy nhiên, vì đảo còn khá nguyên sơ nên hệ thống cơ sở lưu trú chưa nhiều, chủ yếu là những homestay nhỏ của người dân trên đảo, với trên 100 phòng nghỉ. Ngoài ra, các dịch vụ phục vụ ăn uống chưa phổ biến, vào những ngày cao điểm của mùa du lịch không thể đáp ứng hết nhu cầu của du khách.
Việc lượng khách tăng nhanh cùng với cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa được đầu tư nhiều đang tạo áp lực không nhỏ đối với Cái Chiên, nhất là trong vấn đề xử lý rác thải, quản lý các hoạt động tham quan, quy hoạch phát triển du lịch…
Các homestay đang được đầu tư xây dựng trên đảo để phục vụ du khách.
Do vậy, cấp ủy, chính quyền huyện Hải Hà đã xác định phải có hướng đi lâu dài, bền vững cho sự phát triển của đảo Cái Chiên.
Đồng chí Phạm Xuân Đài, Chủ tịch UBND huyện Hải Hà, cho biết: Huyện xác định, việc phát triển du lịch của Cái Chiên phải theo hướng bảo tồn, giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ. Vì vậy, mục tiêu của huyện là đầu tư có trọng điểm và bền vững. Hiện huyện đang tích cực kêu gọi, thu hút và mong muốn tìm được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong phát triển du lịch để đầu tư trên đảo, đảm bảo vừa phát huy các tiềm năng, thế mạnh của đảo nhưng phải giữ được tài nguyên thiên nhiên vốn có.
Đường dẫn xuống bãi biển Cái Chiên 2. |
Trong khi chờ đợi nhà đầu tư đủ tiềm lực, huyện Hải Hà đã có những cách làm cụ thể để từng bước phát triển du lịch của đảo. Trong đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân trong phát triển du lịch, làm du lịch, giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp trên đảo; tổ chức lớp tập huấn cho nhân dân về làm du lịch cộng đồng; vận động người dân tháo dỡ các lều bạt tạm tại các bãi biển làm mất mỹ quan du lịch, tác động xấu đến môi trường.
Du khách đến du lịch đảo Cái Chiên ngày càng đông. |
Song song với đó là quy hoạch điểm bán hàng để các hộ dân kinh doanh các dịch vụ phục vụ du khách trong mùa du lịch. Cùng với đó, hoàn tất sớm các thủ tục để sớm khởi công dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường xuyên đảo vào cuối tháng 8 năm nay. Tuyến đường được cải tạo có chiều dài 11,5km, tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Sau khi hoàn thành, tuyến đường xuyên đảo sẽ góp phần thay đổi diện mạo, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch cũng như kinh tế - xã hội của xã đảo.