Thác Đôi bản Tài Chi, xã Quảng Sơn được bao quanh là những khu rừng phòng hộ nguyên sinh của huyện Hải Hà. Thác nằm trong quần thể những dòng thác của sông Tài Chi, một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ tuyệt đẹp của núi rừng Hải Hà.
Một vùng thiên nhiên hoang sơ
Thác Đôi nằm cách trung tâm xã Quảng Sơn khoảng 15km. Để giúp tôi đến được thác Đôi, lãnh đạo xã Quảng Sơn đã cử một cán bộ thôn giỏi trong việc đi rừng là anh Tằng Tắc Dếnh, Phó bản Tài Chi đi cùng. Anh Dếnh nhắc nhở tôi thay đôi giày thể thao bằng đôi dép kiểm lâm, vì hiện nay không có đường vào thác, mà phải đi tắt qua suối hay đường rừng, nên phải đi giày hoặc dép chuyên dụng.
Đường vào thác Đôi gập ghềnh và phải qua mấy con thác khác.
Đây là khu vực rừng đặc dụng nên người dân rất hạn chế ra vào, bởi vậy khi đi cùng tôi, anh Dếnh còn mang theo con dao quắm để vừa đi vừa phát những cành cây chắn ngang đường. Tuy đã vài ba lần vào thác Đôi, thế nhưng thỉnh thoảng anh Dếnh vẫn phải đứng quan sát đường một lúc mới đi tiếp, vì cành cây mọc lên rất nhanh, chỉ cần một vài tuần là lấp hết lối cũ. Chúng tôi đi qua những vạt cây lá dong rừng xanh tốt. Đây vốn là nguồn thu đáng kể của người dân vào dịp Tết khi thu hoạch lá để gói bánh chưng, vì bà con vẫn được phép vào rừng hái cây thuốc, thu hoạch lá dong...
Những sản vật thiên nhiên ở rừng tự nhiên thác Đôi.
Cái đáng sợ nhất của chúng tôi trong rừng là vắt. Những con vắt rừng háu đói hễ thấy hơi người là bám chặt lấy. Trước khi đi, anh Tằng Tắc Dếnh đã cẩn thận bôi thuốc lào vào chân, có vị cay vắt không dám bâu vào nhưng vẫn không hiệu quả, vì qua suối là bị trôi đi hết. Vậy là lũ vắt cứ vậy bám vào vai vào lưng chúng tôi hút máu. Giống vắt khi hút máu ta không có cảm giác đau, chỉ khi máu chảy ngấm đỏ áo mới biết. Con vắt bình thường nom nhỏ như que tăm, thế nhưng khi nó hút căng bụng máu thì phồng lên như con đỉa trâu...
Thác Đôi và câu chuyện tình xưa
Phải gần 2 tiếng cuốc bộ, tuy đường rừng chỉ khoảng 3km nhưng rất khó đi, chúng tôi mới đến được thác Đôi. Dòng thác lộ ra với độ cao khoảng 10m, dòng nước được chia làm đôi rồi đổ xuống một cái hồ rộng hơn 50m2. Nước hồ trong xanh, từng đàn cá ẩn mình bơi lội. Suốt dọc đoạn sông bản Tài Chi dài khoảng 2km có tới 3 thác nước, thế nhưng thác Đôi mang vẻ độc đáo, khác lạ hơn cả. Theo người dân xã Quảng Sơn, thác Đôi bắt nguồn từ đỉnh Cao Ba Lanh chảy qua bản Tài Chi đổ xuống sông xã Quảng Thịnh (huyện Hải Hà) rồi xuôi theo dòng sông Hà Cối. Ngọn thác giống như dòng sữa mẹ, nuôi sống hàng ngàn ha rừng cũng như ruộng cấy của bà con các xã ven sông.
Vẻ đẹp thơ mộng của thác Đôi giữa thiên nhiên hoang sơ.
Câu chuyện về thác Đôi được người dân bản xã Quảng Sơn truyền lại rằng: Xa xưa có một đôi trai gái người Dao yêu nhau. Cô gái mặt đẹp tựa như ánh trăng rằm khiến quỷ thần cũng phải mê mệt, rồi quyết bắt cô gái về làm vợ. Đôi trai gái biết chuyện đã dắt tay nhau chạy trốn, qua rừng, qua suối, đôi chân đến bật máu. Rồi một hôm, họ chạy tới sông Tài Chi thì quỷ thần cũng đã đuổi đến nơi. Đôi trai gái nhảy xuống sông, quỷ thần vác hòn đá lớn ném xuống chặn dòng sông lại. Đôi trai gái biến thành 2 dòng thác, vượt qua hòn đá lớn tạo thành dòng sông sâu nhấn chìm quỷ thần... Câu chuyện từ trí tưởng tượng của con người giải thích về sự hình thành của dòng thác đầy tính lãng mạn. Ngoài đời, thác Đôi cũng đầy vẻ thơ mộng, khi đến được chân thác, ta cảm thấy khoan khoái như quên hết mọi toan tính đời thường...
Mảnh đất giàu nét văn hóa
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, lãnh đạo xã Quảng Sơn cũng đã có ý kiến đề xuất với huyện về việc khai thác du lịch ở thác Đôi gắn liền với khám phá giá trị văn hóa dân tộc đồng bào Dao. Bởi lẽ, Quảng Sơn có đến 90% dân cư là đồng bào dân tộc Dao, người dân còn lưu giữ rất tốt nhiều nét văn hóa dân tộc, đa phần phụ nữ đều biết thêu thùa những bộ quần áo truyền thống. Ở bản Lý Quáng (xã Quảng Sơn) có bà Diềng Chống Sếnh được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam” vào năm 2013. Bà Sếnh là người có nhiều công truyền dạy người dân thêu thùa những bộ quần áo truyền thống. Ai ở xã muốn đến học nghề đan thêu là bà Sếnh sẵn sàng chỉ dạy tận tình, kỹ lưỡng từng nét hoa văn. Ở bản Lý Quáng còn có anh Chíu Sáng Hỉ, là người thổi kèn theo các điệu nhạc truyền thống của người Dao hay nhất huyện Hải Hà. Anh có thể thổi được tất cả 18 bài kèn đám ma, 12 bài kèn đám cưới của người Dao. Điều đặc biệt, anh Hỷ còn biết tự tay làm được kèn, vốn trước kia đều do các nghệ nhân “cha truyền, con nối”.
Phát triển du lịch ở thác Đôi cũng góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao ở Quảng Sơn.
Những năm gần đây, Trường PTDT Bán trú THCS Quảng Sơn đều mở các chương trình ngoại khóa chủ đề “Giữ gìn bản sắc dân tộc Dao” cho thầy, cô giáo và học sinh trong trường. Chương trình nhằm động viên, khích lệ các nghệ nhân cùng học sinh nâng cao ý thức giữ gìn vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo huyện Hải Hà cho biết: Hiện nay, du lịch ở thác Đôi cũng mới được chúng tôi xem xét chứ chưa đi vào khai thác, vì thác nằm ở khu vực giáp biên giới. Hơn nữa, để phát triển du lịch cần làm đường vào thác với số kinh phí rất lớn. Do vậy, trong tương lai gần, vẻ đẹp của thác Đôi vẫn cứ là tiềm năng, ẩn náu giữa khu rừng hoang sơ mà không phải ai cũng có cơ hội đặt chân đến để chiêm ngưỡng...
(Theo báo Quảng Ninh)