Kèn đồng một loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Dao được sử dụng trong các ngày lễ hội, đám cưới, ma chay và đặc biệt là lễ cấp sắc một tục lệ lâu đời đã trở thành nét đặc trưng của văn hóa người Dao từ bao đời nay. Kèn không chỉ mang giá trị văn hóa được nhân dân sáng tạo để phục vụ cuộc sống lao động, sinh hoạt của cộng đồng dân tộc mà còn ẩn chứa những giá trị về vật chất cũng như tinh thần, mang ý nghĩa thiêng liêng trong sinh hoạt tín ngưỡng. Mỗi khi tiếng kèn vang lên ai cũng cảm thấy xốn xang, nhất là trong đám cưới của những đôi bạn trẻ, bởi đây là âm thanh báo hiệu niềm vui, hạnh phúc lứa đôi.
Anh Chíu Sáng Hỷ, bản Lý Quáng, xã Quảng Sơn đang thổi kèn mời mọi người đến ăn cơm vui cùng gia chủ.
Ở bản Lý Quáng, Xã Quảng Sơn, 100% những người dân đang sinh sống tại đây đều là bà con dân tộc Dao, hiện nay họ vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đến đây, tôi được gặp anh Chíu Sáng Hỷ, một trong số ít những người còn biết thổi kèn và tự tay làm những bộ phận của kèn đồng mà giờ đây ít người có khả năng làm được. Trong bản, anh Chíu Sáng Hỷ được coi là người thổi kèn lâu năm và thuộc nhiều các điệu nhạc truyền thống của người Dao nhất. Nói về quá trình gắn bó với chiếc kèn đồng anh Chíu Sáng Hỷ say sưa kể: “tôi bắt đầu học kèn đồng từ năm 14 tuổi, đến nay tôi có thể thổi được 12 bài kèn phục vụ cho các lễ và các đám hiếu, hỉ của người Dao, ngoài ra tôi cũng có thể thổi được những bài hát quen thuộc của dân tộc mình.”
Kèn đồng của người Dao được đúc bằng đồng có cấu tạo khá đơn giản bởi bốn phần: Miệng kèn, cổ kèn, thân kèn và loa kèn. Trên thân kèn đục 7 lỗ tương đương cho 7 âm thanh cao thấp khi thổi. Để thổi được kèn khá phức tạp nên không phải ai cũng luyện được. Lúc thổi kèn, các ngón tay vẫn phải kết hợp không được quên nhịp. Bộ phận quan trọng nhất của chiếc kèn đó chính là Lưỡi kèn được làm từ kén sâu, âm thanh phát ra từ chiếc kèn chính là nhờ kén sâu này.
Bộ kèn của anh Chíu Sáng Hỷ thường dùng trong các dịp quan trọng.
Để có được những Lưỡi kèn tốt, anh Hỷ thường đi rừng tỉ mẩn vạch từng chiếc lá để tìm cho được những chiếc kén sâu. Sau đó mang về mài chiếc kén cho đến khi kén có thể thổi được ra tiếng. Công đoạn này mất rất nhiều công sức và thời gian vậy nên mỗi lần đi tìm kén sâu anh tranh thủ kiếm được nhiều kén rồi về gia công thành phẩm sau đó cất đi dùng dần. Ngoài ra, anh còn tự mày mò nghiên cứu và làm ra một chiếc kèn mới cho riêng mình. Anh cho biết: “để làm được kèn này, tôi phải tự tìm các vật liệu phù hợp để chế tạo, ngoài bằng đồng có thể dùng kim loại khác bằng nhôm hoặc hợp kim để tạo thành, quan trọng là có phần miệng kèn và lưỡi kèn tốt thì thổi sẽ hay hơn. Sau khi có đầy đủ các vật liệu tôi sẽ tự làm thủ công bằng tay để uốn vào thành một chiếc kèn hoàn chỉnh.”
Thông thường để mời được một người biết thổi kèn đồng đến để phục vụ cho đám cưới, gia chủ phải mang lễ vật đến nhà đặt vấn đề và trân trọng mời người đó đến phục vụ cho đám cưới. Trong đám cưới người thổi kèn đồng sẽ thổi các bài nhạc vui tươi tạo không khí nhộn nhịp rộn ràng cho nhà gia chủ: từ bài mời khách vào nhà, đến mời khách uống rượu, lên mâm dùng cỗ...Tiếng kèn sẽ đóng vai trò dẫn dắt cảm xúc từ đầu cho đến khi kết thúc lễ cưới. Và người thổi kèn đồng cũng được gia chủ quan tâm đặc biệt họ sẽ được bố trí ngồi mâm cao, rượu thịt lúc nào cũng phải đầy đủ, điều đó cũng cho thấy người thổi kèn đồng được coi trọng như thế nào trong đời sống văn hóa của người Dao.
Anh Chíu Sáng Hỷ là người đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân bản Lý Quáng nói riêng và của xã Quảng Sơn cũng như huyện Hải Hà nói chung. Mỗi khi có Lễ cấp sắc, hay việc hiếu hỉ trong bản, trong xã thì không thể thiếu tiếng kèn của anh Hỷ. Chị Chíu Tài Múi – Thôn 3, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà cho biết: “Người Dao chúng tôi vào những ngày quan trọng như đám cưới, hỏi, nhà mới hay cấp sắc hầu hết đều có tiếng kèn để mọi người biết đến. Khi tiếng kèn cất lên thì người trong thôn sẽ biết trong nhà đang có việc gì.”
Không chỉ dừng lại ở việc biết thổi những bài nhạc truyền thống, lúc rảnh dỗi anh Chíu Sáng Hỷ lại mày mò tập những bài nhạc mới đặc biệt là những bài nhạc dành cho thiếu nhi. Anh thổi những bài nhạc đó cho con cháu của mình nghe. Anh mong muốn thế hệ con cháu của mình được tiếp cận với nhạc cụ truyền thống của dân tộc từ những bài nhạc đơn giản dễ nghe dễ thuộc, để chúng từng chút từng chút một yêu giai điệu của tiếng kèn đồng. Không muốn loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc bị mai một anh luôn hy vọng sẽ có nhiều bạn trẻ tìm đến ông để theo học nghề thổi kèn đồng. Anh Chíu Sáng Thình, Thôn 3, xã Quảng Sơn, là người đang theo học kèn cho biết: “Tôi rất thích tiếng kèn này nên đã theo học anh Sáng Hỷ để gìn giữ cho con cháu biết. Hiện tại, tôi đã học được hơn một năm rồi, tôi sẽ tiếp tục học, tập làm kèn và sáng tác những bài mới để bà con được nghe và thêm yêu tiếng kèn này.”
Anh Chíu Sáng Hỷ đang truyền dạy cách thồi kèn cho học trò.
Trước sự phát triển của xã hội hiện đại, nhiều dân tộc thiểu số trong đó có dân tộc Dao vẫn còn gìn giữ và bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân tộc. Tuy nhiên việc gìn giữ vẫn còn nằm ở một số ít nghệ nhân tuổi đời đã cao, việc duy trì được văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền. Thiết thực nhất là mở các lớp bồi dưỡng, mà hạt nhân là các nghệ nhân trong các mảng văn hóa dân tộc như anh Chíu Sáng Hỷ trực tiếp truyền dạy. Có như vậy việc bảo tồn và gìn giữ các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Dao sẽ được nhân rộng và được lưu truyền cho thế hệ mai sau.
Trần Trinh