Đầu thế kỷ XIX vùng đất này là tổng Hà Môn thuộc châu Vạn Ninh. Tháng 6-1888, tổng Hà Môn tách khỏi châu Vạn Ninh thành lập châu Hà Cối (chữ Hán Việt: Hà là con sông, Cối là nơi cây cỏ rậm rạp. Tiếng Việt có từ cây cối. Hà Cối là vùng đất nhiều cây cỏ bên sông). Châu Hà Cối chia làm 3 tổng: Đầm Hà, Hà Cối và Mã Tế. Năm 1937 thêm tổng Thanh Mòi (Tấn Mài) sau tại tách thêm tổng Hà Cối Nùng. Sau Cách mạng, châu Hà Cối chia làm hai huyện là Đầm Hà và Hà Cối. Ngày 4-6-1969, hai huyện hợp nhất thành huyện Quảng Hà. Ngày 10-8-1981 cắt xã Quảng Nghĩa về huyện Hải Ninh nhưng lại nhập một phần xã Pò Hèn của huyện Hải Ninh về xã Quảng Đức.Vừa qua, ngày 29-8-2001, Chính phủ, ban hành Nghị định số 59/2001/NĐ-CP chia huyện Quảng Hà thành hai huyện: Hải Hà và Đầm Hà. Hải Hà nguyên là huyện Hà Cối xưa.
Hải Hà nằm ở vùng địa đầu đông bắc, nhiều cuộc chống xâm lăng còn ghi dấu trong các truyền thuyết lịch sử. Khi Pháp xâm lược, vùng rừng núi phía bắc gắn liền với vùng núi Cao Ba Lanh của Bình Liêu ở phía tây, và vùng núi PanNai của Móng Cái ở phía đông đã là căn cứ lợi hại của nghĩa quân chống Pháp. Hồi đầu thế kỷ, nghĩa quân gồm người Kinh và người các dân tộc có lúc đông đến gần nghìn người đã nhiều lần tập kích vào châu lỵ Hà Cối giết quan quân Pháp. Trong Cách mạng tháng Tám, Hà Cối vẫn bị bọn Việt Cách núp bên quân Tưởng chiếm giữ. Sau đó bước vào cuộc kháng chiến 9 năm, Hà Cối nằm trong “Xứ Nùng tự trị Hải Ninh”, cán bộvà bộ đội tỉnh Hải Ninh phải mở hai cuộc Đông Tiến, gây dựng cơ sở kháng chiến trong vô vàn hy sinh, gian khổ và đã có những đợt trừ gian, diệt tề chấn động trong vùng địch. Kết thúc kháng chiến, ngày 30-7-1954 Hà Cối lần đầu tiên được giải phóng. Sau hoà bình, Hà Cối còn vất vả đấu tranh chống bọn phản động, truy quét bọn thổ phỉ và vây bắt nhiều toán biệt kích Mỹ nguỵ và Mỹ Tưởng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hải Hà góp nhiều sức người sức của cho tiền tuyến. Nhiều con em Hải Hà lập công xuất sắc, tiêu biểu là Anh hùng Đỗ Viết Cường, đặc công nước, đánh những trận lẫy lừng ở cảng Cửa Việt.
Về văn hoá, Hải Hà có vốn văn hoá dân gian nhiều sắc thái riêng. Toàn huyện gần như không theo tôn giáo nào. Tín ngưỡng dân gian với tục thờ cúng tổ tiên là phổ biến. Các xã người Kinh cũ ở đây cũng có thầy mo và có nhiều phong tục khác người Kinh vùng đồng bằng. Đám chay xưa, đốt nhiều vàng mã, cúng lễ cầu kỳ, ăn uống tốn kém. Đám cưới có hát đối giao duyên, có tục giăng ngõ. Các dân tộc thiểu số cũng có nhiều phong tục riêng.
Từ năm 1978 Hải Hà có đông người từ đồng bằng đến thế chỗ người Hoa đã đem theo phong tục và tập quán của vùng xuôi và trở thành ‘’đất chèo’’.
Hải Hà đáng chú ý nâng cao dân trí, vừa phát triển giáo dục phổ thông vừa chú ý giáo dục thường xuyên. Huyện có một trường phổ thông trung học và một trường phổ thông dân tộc nội trú. Nhiều bác sĩ, kỹ sư, giáo viên trung học đã là người địa phương.