1. Hiện trạng sử dụng đất:
Theo số liệu thống kê tính đến ngày 31/12/2012, tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 69.013 ha, trong đó diện tích đất tự nhiên của huyện Hải Hà là 51.393,17 ha, trong đó:
- Đất nông nghiệp: 39.557,33 ha, chiếm 76,97% diện tích tự nhiên, trong đó: Đất trồng lúa có 2.713,84ha; đất trồng cây lâu năm có 1.237,88ha; đất rừng phòng hộ có 15.207,54 ha; đất rừng sản xuất có 18.457,35 ha; đất nuôi trồng thủy sản có 922,44 ha.
- Đất phi nông nghiệp: 6.059,91 ha, chiếm 11,79% diện tích tự nhiên, trong đó: Đất ở tại nông thôn 367,09 ha; đất ở tại đô thị 41,94 ha; đất chuyên dùng 2.741,77 ha; đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp 20,15 ha.
- Đất chưa sử dụng: 5.775,73 ha, chiếm 11,24% trong đó đất bằng chưa sử dụng 4.893,24 ha.
2. Tài nguyên đất
Đất của huyện Hải Hà được chia thành 02 vùng chính là vùng đồi núi và đồng bằng ven biển.
- Vùng đồi núi bao gồm 04 loại đất sau:
* Đất nâu tím: Loại đất này phù hợp với trồng hoa màu ở độ dốc <80, trồng cây lâu năm ở độ dốc từ 8 – 150, phát triển nông lâm kết hợp ở độ dốc từ 15 – 250, trồng rừng ở độ dốc trên 250.
+ Hình thành và phát triển trên sa phiến thạch tím hạt mịn, diện tích 2.167,6 ha chiếm 4,2% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã Quảng Đức, Quảng Sơn, Quảng Long, Đường Hoa, Quảng Chính, Quảng Thịnh, Quảng Thành.
+ Đất có phản ứng chua, pHKCL ở tầng mặt là 4,4; hàm lượng chất hữu cơ ở tầng mặt giàu và rất nghèo ở tầng dưới. Đạm tổng số tầng mặt trung bình và giảm dần theo chiều sâu. Lân tổng số dễ tiêu nghèo, kali tổng số giàu nhưng kali dễ tiêu nghèo, thành phần cơ giới thịt nặng đến sét.
* Đất vàng đỏ: Loại đất này phù hợp với phát triển nhiều loại cây lâu năm như chè, cây ăn quả, cây đặc sản như hồi, quế, trám vũ, cây lấy gỗ quý như nghiến, đinh hương.
+ Diện tích 25.580ha, chiếm 49,91% diện tích tự nhiên. Đất có thành phần cơ giới từ thịt nặng đến thịt nhẹ, mức độ phong hoá feralit từ trung bình đến mạnh và có xu hướng giảm dần theo độ cao.
+ Đất có phản ứng chua đến ít chua, pHKCL từ 4,72 đến 5,05. Hàm lượng chất hữu cơ ở tầng mặt đạt từ khá đến giàu, hàm lượng mùn giảm dần theo độ sâu. Kali tổng số và dễ tiêu trung bình, lân tổng số trung bình.
* Loại đất này có ở vùng núi cao và có độ dốc lớn >200 nên phù hợp với trồng rừng phòng hộ và khoanh nuôi bảo vệ rừng đầu nguồn.Đất mùn vàng đỏ trên núi:
+ Đất này hình thành ở độ cao trên 700m, khí hậu lạnh và ẩm hơn vùng đồi núi thấp. Diện tích đất này có 4.674,47 ha phân bố chủ yếu ở xã Quảng Sơn, Quảng Đức.
+ Đất có thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến trung bình, đất bị xói mòn rửa trôi mạnh. Đất chua pHKCL 4,76 – 4,96, hàm lượng hữu cơ tầng mặt giàu, giảm dần theo chiều sâu. Đậm và lân tổng số nghèo đến trng bình. Lân, kali dễ tiêu nghèo.
* Đất nhân tác: Loại đất này phù hợp với sản xuất nông nghiệp khi có đủ nước.
+ Đất hình thành do tác động của con người san ủi làm ruộng bậc thang, diện tích 1.216,34 ha. Đất có sự thay đổi về chế độ nhiệt, chế độ không khí, chế độ nước, chế độ dinh dưỡng.
+ Đây là loại đất tốt ở địa hình bằng thoải, hầu hết có độ phì nhiêu khá. Đất có phản ứng chua pHKCL 4,5 – 4,6, có sự thay đổi lớn giữa các tầng đất. Hàm lượng chất hữu cơ giảm dần theo chiều sâu. Đạm lân tổng số trung bình, kali tổng số và dễ tiêu nghèo, thành phần cơ giới thịt trung bình.
- Vùng đồng bằng ven biển bao gồm 05 loại đất sau:
* Đất cát ven sông ven biển: Đất nghèo dinh dưỡng, có thể trồng rừng ngập mặn chắn sóng.
+ Diện tích 2.205,78ha, chiếm 4,3% diện tích tự nhiên. Được hình thành ở ven biển, ven các sông chính do sự bồi đắp chủ yếu từ sản phẩm thô với sự hoạt động trầm tích phù sa của các hệ thống sông và biển.
+ Đất thường ở địa hình thấp ngoài đê biển và thường xuyên ảnh hưởng của thuỷ triều.
* Đất mặn: Đối với vùng đất mặn ít nếu chủ động nước sẽ phù hợp với cây lúa, vùng mặn nhiều chủ yếu phát triển sú vẹt, đước.
+ Hình thành từ những sản phẩm phù sa sông biển, lắng đọng trong môi trường nước biển, do trầm tích biển hoặc ảnh hưởng của nước mặn tràn hoặc mạch mặn ven biển, diện tích 1.762,39ha, phân bố ở các xã ven biển.
+ Đất có phản ứng trung tính ít chua, hàm lượng hữu cơ và đạm tổng số khá, lân dễ tiêu nghèo, kali tổng số và dễ tiêu giàu tăng theo chiều sâu. Thành phần cơ giới nặng đến trung bình. Đối với vùng đất mặn ít nếu chủ động nước sẽ phù hợp với cây lúa, vùng mặn nhiều chủ yếu phát triển sú vẹt, đước.
* Đất phèn tiềm tàng: Được hình thành dưới rừng ngập mặn và vùng đầm trũng, chứa tỷ lệ hữu cơ cao, bị glây, yếm khí, đất bị nhễm mặn nặng, hàm lượng mùn tầng mặt rất giàu, đạm, lân, kali tổng số từ khá đến giàu. Đất phèn được cải tạo để trồng lúa 2 vụ trong điều kiện thuận lợi về nước ngọt.
* Đất phù sa không được bồi: Phù hợp với trồng cây công nghiệp.
+ Diện tích 825,55ha, đây là loại đất phù sa đã được cách ly khỏi ảnh hưởng của sự bồi đắp hàng năm của các hệ thống sông.
+ Đất ít chua, đạm tổng số trung bình, lân tổng số giàu, kali tổng số và dễ tiêu giàu, thành phần cơ giới thịt trung bình.
* Đất có tầng sét loang lổ: Phù hợp với sản xuất nông nghiệp.
+ Diện tích 1136,08ha, hình thành do sự di chuyển mạnh lên và xuống của sắt, nhôm trong đất. Tác động của các dạng sắt, nhôm kết hợp với sự đọng và thoát nước tạo thành tầng loang lổ.
+ Đất có phản ứng chua, hàm lượng hữu cơ trung bình, lân kali tổng số nghèo, đất có tầng dày, thành phần cơ giới nhẹ, thấm nước tốt.
* Đất xám: Những nơi thấp đủ nước phù hợp cho trồng lúa.
+ Diện tích 563,67ha, đất hình thành trên đá cát kết và phù sa cổ, ở địa hình bậc thang thấp.
+ Đất có phản ứng chua, đạm tổng số trung bình, lân kali tổng số nghèo.
3. Tài nguyên nước
- Nguồn nước mặt: Hải Hà có hệ thống sông suối khá dày đặc, có hồ Trúc Bài Sơn diện tích 110 ha, dung tích 15 triệu m3, hồ Khe Đình và hồ Khe Dầu thuộc xã đảo Cái Chiên diện tích 23 ha và các đập nước. Đây là nguồn nước mặt với trữ lượng lớn, đảm bảo cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp của các xã trong toàn huyện. Nước ngọt từ các hồ, đập nước được dẫn tới các khu sản xuất nông nghiệp nhờ hệ thống kênh mương dẫn nước bao gồm: hệ thống kênh Trúc Bài Sơn dài 108,4km; hệ thống kênh Quảng Thành dài 58km; hệ thống kênh Đường Hoa dài 15 km; hệ thống kênh Cái Chiên dài 15 km; hệ thống kênh nội đồng dài 332,5 km.
* Qua kết quả quan trắc cho thấy chất lượng nước sông, hồ còn tốt, các thông số quan trắc đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng của các hoạt động KTXH tới chất lượng nước không lớn.
* Nguồn nước sinh hoạt của nhân dân thị trấn được lấy từ nguồn nước mặt của sông Hà Cối, vị trí tại đập Tây Ninh xã Quảng Chính (cách thị trấn 2,5km) làm nguồn cấp nước đô thị.
- Nguồn nước ngầm: Hải Hà có trữ lượng nước ngầm khá lớn, chất lượng nước khá tốt, đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đây là nguồn nước được nhân dân sử dụng qua hệ thống giếng khơi
Nhìn chung nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ở Hải Hà khá dồi dào, tuy nhiên còn khó khăn vào mùa khô. Trong thời gian tới cần có biện pháp cải tạo, xây dựng các công trình dự trữ nước mưa, phủ xanh đất trống, bảo vệ rừng và đưa nước ngọt từ nơi khác đến để đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH.
4. Tài nguyên biển
- Hải Hà có bờ biển dài 35 km, diện tích biển và bãi biển khoảng 23.620 ha với nhiều loại hải sản quý sinh sống như tôm, cua, cá, sò huyết, sá sùng... Hiện tại nguồn lợi hải sản đã được khoanh nuôi tại xã Đường Hoa 163ha, Tiến Tới 12,0ha, Quảng Phong 150ha, Quảng Điền 64ha, Quảng Minh 252ha, Quảng Thắng 80ha, Quảng Thành 48ha.
- Biển Hải Hà hàng năm cho phép khai thác khoảng 9.000 tấn/năm ở cả vùng lộng và vùng khơi. Hải sản đánh bắt gồm nhiều loài tôm, cá quý hiếm có giá trị cao như tôm He đuôi xanh ở ngư trường núi Miều, Mực nang ở ngư trường Thoi Xanh và một số loài cá có giá trị kinh tế cao như cá Song, cá Vược, cá Tráp...
- Khu vực biển đảo Cái chiên có những ngư trường lớn, tập trung nhiều tàu thuyền đến khai thác cho sản lượng cao.
5. Tài nguyên rừng và thảm thực vật
5.1. Tài nguyên rừng
Rừng Hải Hà có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển KTXH, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực, giữ nguồn nước, tạo cảnh quan, giữ gìn các di tích lịch sử văn hóa các dân tộc. Vì vậy, cần phải có chính sách đầu tư, khái thác hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng.
- Huyện Hải Hà có tiềm năng phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng. Theo kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp năm 2012, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 35.051,1 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 28.051,88 ha, chiếm 80,03% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp.
- Diện tích rừng tự nhiên 15.148,00 ha, chiếm 54,0% diện tích đất có rừng. Trong đó: Rừng nghèo 341,89 ha; Rừng phục hồi 12.301,91 ha; Rừng tre, nứa 54,70 ha; Rừng hỗn giao tre, nứa 1.604,50 ha; Rừng ngập mặn, phèn: 845,00 ha. Như vậy có thể thấy khả năng lợi dụng của rừng tự nhiên không lớn, do hầu hết là rừng nghèo và rừng phục hồi. Rừng trồng 12.903,88 ha chiếm 46% diện tích đất có rừng.
5.2. Thảm thực vật
- Về hệ thống thảm thực vật của huyện rất phong phú và đa dạng với các loại thực vật của khu vực đồi núi và khu vực ngập mặn. Khu vực đồi núi chủ yếu là các loại tre, nứa, cây lấy gỗ (keo, bạch đàn, cây đặc sản như quế). Khu vực ngập mặn chủ yếu là thông, sú vẹt, đước.
- Ngoài ra còn có hệ thống thực vật như các lùm, bụi cây chịu hạn như sim, mua, cỏ tranh.
6. Tài nguyên khoáng sản và vật liệu xây dựng
- Mỏ đá Cao Lanh diện tích 22,51ha, phân bố ở các xã Quảng Đức và Quảng Sơn. Đây là nguồn khoáng sản có hàm lượng Allumin cao phù hợp cho sản xuất phụ gia xi măng, gạch chịu lửa, đá xẻ và một số sản phẩm thủ công mĩ nghệ khác.
- Đất sét có diện tích khoảng 43,73 ha phân bố ở các xã Quảng Minh, Quảng Chính, Quảng Trung, Đường Hoa, Quảng Long, Quảng Thành, Quảng Phong. Đây là nguồn nguyên liệu để sản xuất gạch, ngói phục vụ nhu cầu xây dựng của nhân dân trên địa bàn.
- Đá cuội sỏi, cát, đá hộc: vẫn đang được khai thác ở các lòng sông, suối của huyện, ven đảo Cái Chiên (tiêu thụ trong thị trường huyện).
- Đá ốp lát: chủ yếu là đá Granit phân bố ở Quảng Nam Châu, trữ lượng ước khoảng 1,5 triệu m3, có màu hồng xanh khá đẹp, xếp vào loại có giá trị kinh tế cao.
- Mỏ Kaolin-pyrophilit Tấn Mài (phần lớn ở xã Quảng Đức và một phần ở xã Quảng Sơn) gồm 6 thân quặng có trữ lượng dự báo 60,5 triệu tấn (nguồn nguyên liệu quý hiếm cho sản xuất vật liệu chịu lửa, gốm, sứ xây dựng).
7. Tài nguyên du lịch và nhân văn
7.1. Tài nguyên du lịch
- Tài nguyên du lịch huyện được nghiên cứu và đánh giá gồm cả hai loại hình du lịch là du lịch tự nhiên và du lịch cửa khẩu. Các điểm thu hút khách du lịch trong thời gian qua phải kể đến như: Đảo Cái Chiên, cửa khẩu Bắc Phong Sinh, hồ Trúc Bài Sơn, rừng phòng hộ đầu nguồn,… Đây là những điều kiện lý tưởng để Hải Hà phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch mua sắm, du lịch tắm biển,…
- Đặc biệt Cái Chiên là nơi có tiềm năng thế mạnh về phát triển du lịch với những bãi biển tuyệt đẹp với những bãi cát trắng mịn và hàng phi lao trải dài khoảng 10 km, nước biển trong xanh là bãi tắm lý tưởng để cho các nhà đầu tư phát triển khai thác ngành du lịch biển và khu du lịch sinh thái. Gần đây đảo Cái Chiên cùng nhiều đảo khác trên vùng biển Quảng Ninh, nơi có dân cư sinh sống, còn nhiều khu rừng nguyên sinh, có nguồn nước tự nhiên dồi dào được Tỉnh quy hoạch là những khu du lịch sinh thái, đồng thời là vùng kinh tế biển đảo, tạo thành phên giậu bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền của Tổ quốc.
7.2. Tài nguyên nhân văn
- Cư dân sớm nhất ở Hải Hà là những người Kinh sống bằng khai thác hải sản ven biển sau đó là người các Tỉnh đồng bằng ra mở đất canh tác lập nên các làng ở vùng thấp. Ở vùng núi và trung du sớm nhất là người Tày, sau đó là các dân tộc thiểu số từ vùng Thập Vạn Đại Sơn bên kia biên giới sang, sau cùng là người Hoa.
- Từ năm 1978 Hải Hà có đông người từ đồng bằng đến thế chỗ người Hoa đã đem theo phong tục và tập quán của vùng xuôi và trở thành “đất chèo’’.
Hải Hà đáng chú ý nâng cao dân trí, vừa phát triển giáo dục phổ thông vừa chú ý giáo dục thường xuyên. Huyện có một trường phổ thông trung học và một trường phổ thông dân tộc nội trú. Nhiều bác sĩ, kỹ sư, giáo viên trung học đã là người địa phương.
- Về văn hoá, Hải Hà có vốn văn hoá dân gian nhiều sắc thái riêng. Toàn huyện gần như không theo tôn giáo nào. Tín ngưỡng dân gian với tục thờ cúng tổ tiên là phổ biến. Các xã người Kinh cũ ở đây cũng có thầy mo và có nhiều phong tục khác người Kinh vùng đồng bằng. Đám chay xưa, đốt nhiều vàng mã, cúng lễ cầu kỳ, ăn uống tốn kém. Đám cưới có hát đối giao duyên, có tục giăng ngõ. Các dân tộc thiểu số cũng có nhiều phong tục riêng.