Năm 2017, là năm đánh một dấu mốc lớn đối với du lịch Hải Hà. Không chỉ lượng khách du lịch tăng đột biến mà sự đầu tư diện mạo du lịch của huyện đã dần thay đổi. Trước đó, với việc được công nhận hai tuyến điểm du lịch, công nhận bãi tắm đạt tiêu chuẩn du lịch và các điểm du lịch phụ trợ đã đem lại cho du lịch Hải Hà những bước tiến mới. Từ đó, giúp nâng cao đời sống của bà con nhân dân, tạo dựng được thương hiệu riêng cho du lịch Hải Hà.
Bãi tắm Đầu rồng, xã Cái Chiên là một trong những bãi tắm đẹp đã được công nhận của tỉnh Quảng Ninh
1. Hải Hà phát huy du lịch từ những lợi thế, tiềm năng
Với vị trí địa lý thuận lợi, địa hình phong phú gồm cả miền núi và trung du ven biển đã giúp Hải Hà đã có những thuận lợi nhất định trong việc phát triển kinh tế nói chung, phát triển ngành dịch vụ - du lịch nói riêng. Hải Hà có các điểm được nhiều du khách biết đến như: Đền Trần Hưng Đạo, chùa Hải Hà, cửa khẩu Bắc Phong Sinh, đảo Cái Chiên, chợ trung tâm Hải Hà... các điểm du lịch đều có những nét riêng để thu hút khách du lịch.
Đền Trần Hưng Đạo được lập thờ từ năm 1951 tại thôn Bắc xã Phú Hải và được bà con nhân dân trong xã thờ vong vị anh hùng Trần Quốc Tuấn để cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Năm 2002, đền thờ Trần Hưng Đạo được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là di tích văn hoá. Cùng nằm trong khu di tích rộng 5.000m2 là chùa Hải Hà đều thu hút rất đông du khách trong và ngoài huyện đến tham quan và vãn cảnh. Đặc biệt vào tháng 8 âm lịch hàng năm, tại đây tổ chức lễ hội với nhiều trò chơi dân gian như: Đua thuyền, bịt mắt bắt vịt, kéo co… tạo điểm nhấn thu hút đông đảo du khách đến xem.
Lễ hội đền Trần Hưng Đạo, xã Phú Hải, Hải Hà thu hút động đảo du khách thập phương về tham dự
Cửa Khẩu Bắc Phong Sinh thuộc xã Quảng Đức, huyện Hải Hà nằm cách trung tâm huyện khoảng 20km, với đường giao thông thuận tiện và đường biên giới dài giáp với Pò Hèn, Móng Cái và cửa khẩu Hoành Mô, Bình Liêu là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cửa khẩu và du lịch thăm quan đường biên giới.
Cửa khẩu Bắc Phong Sinh là một trong những điểm du lịch của huyện Hải Hà
Được thiên nhiên ban tặng phong cảnh đẹp và thu hút khách du lịch nhất phải kể đến xã đảo Cái Chiên. Nằm cách đất liền chỉ khoảng 20km, phong cảnh hoang sơ, khí hậu trong lành, thức ăn tươi ngon phong phú đã kéo chân du khách đến đây. Cái Chiên có tổng diện tích 2.400ha với 4 bãi tắm trải dài, nước biển trong xanh. Phương tiện đi lại được đầu tư với tuyến Phà, tàu cao tốc, dịch vụ xe điện... đã giúp đưa khách du lịch đến đảo thuận lợi hơn.
Chia sẻ khi đến lần đầu tiên đến đảo Cái Chiên du khách Trịnh Đăng Thanh ở Hạ Long cho biết: "Đến với Cái Chiên chúng tôi nhận thấy bãi biển ở đây là một trong những bãi biển đẹp nhất của tỉnh Quảng Ninh, đó là tiềm năng, lợi thế của hòn đảo này để phát triển về du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Người dân ở đây rất thân thiện và mến khách, họ có những hoạt động rất dân dã mà chúng tôi muốn trải nghiệm. Đến với Hải Hà là huyện có cả núi và biển đảo tôi thấy rất phong phú và thú vị. Chúng tôi sẽ đến thăm quan các điểm du lịch hấp dẫn ở đây.”
2. Những bước đi đúng đắn
Nhận thấy những lợi thế trên huyện Hải Hà đã tập trung nhiều giải pháp để tạo ra những bước đi đúng đắn trong phát triển du lịch. Năm 2016, Hải Hà đã đề xuất với tỉnh Quảng Ninh về việc công nhận 2 tuyến và 3 điểm du lịch trên địa bàn Hải Hà và đã được chấp nhận tại văn bản số 1116/QĐ-UBND ban hành ngày 12/4/2016. Hai tuyến du lịch gồm: Các điểm du lịch đền Trần Hưng Đạo – chùa Hải Hà, Cửa khẩu Bắc Phong Sinh; tuyến thứ hai gồm các điểm du lịch đền Trần Hưng Đạo – chùa Hải Hà, đảo Cái Chiên và các điểm phụ trợ cho hai tuyến là thị trấn Quảng Hà, chợ trung tâm và đình My Sơn.
Cùng với đó, được sự quan tâm của UBND tỉnh Quảng Ninh cuối tháng 4 năm 2016 xã đảo Cái Chiên đã chính thức có điện lưới quốc gia, đánh một dấu mốc lớn cho sự phát triển chung của người dân nơi đây. Ngoài ra, huyện đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Tháng 9/2016 huyện đã tổ chức thành công hội nghị Công bố quy hoạch xây dựng xã đảo Cái Chiên và mời gọi đầu tư với quy hoạch 1/2000 của xã đảo Cái Chiên huyện Hải Hà được UBND tỉnh phê duyệt. Ký Chương trình Hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện Hải Hà giai đoạn 2016 - 2020 trong đó tập trung vào phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo nhân lực, quảng bá xúc tiến mời gọi đầu tư, tuyên truyền về du lịch. Đã có nhiều cá nhân, đơn vị đầu tư vào phát triển du lịch như: Công ty TNHH Long Vũ, Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại Lâm Ngọc Dương đã đầu tư phương tiện phục vụ đi lại, nhà nghỉ trên đảo Cái Chiên, các hộ gia đình cũng phát triển du lịch theo hướng homestay... từ đó làm thay đổi diện mạo về cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ khách du lịch.
Tuần lễ du lịch “Cái Chiên chào hè” là một trong nhiều hoạt động thu hút khách du lịch đến với Hải Hà
Năm 2017, huyện đã xác định chủ đề công tác: “Tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, phát triển du lịch xã đảo Cái Chiên”. Từ đó triển khai đến các cấp, các ngành, các xã trên địa bàn huyện. Trong năm, huyện đã tổ chức thành công nhiều chương trình quảng bá cho du lịch huyện như: Tuần lễ văn hóa du lịch tại đảo Cái Chiên, lễ hội đền Trần Hưng Đạo... Để có những bước đi đúng đắn trên, ông Nguyễn Minh Sơn – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hải Hà cho biết thêm: “Ngay từ đầu năm huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ để phát triển du lịch xã đảo Cái Chiên: Tăng cường hỗ trợ của nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cá nhân, tập thể, về vị trí, vai trò của du lịch xã đảo Cái Chiên trong sự phát triển kinh tế xã hội, công tác bảo vệ tài nguyên du lịch, ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch. Đồng thời, huyện đã tổ chức các hội nghị xúc tiến quảng bá về du lịch, thu hút đầu tư; mở các lớp đào tạo, tập huấn và quản lý kỹ năng giao tiếp ứng xử về du lịch; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là thông qua website dulichhaiha.vn. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng du lịch của huyện."
3. “Trái ngọt” ban đầu
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với những bước đi đúng đắn trên đã giúp việc phát triển du lịch huyện có những bước tiến mới. Năm 2017, số lượng khách du lịch đến với huyện Hải Hà đạt trên 56.800 lượt, vượt trên 2 lần so với năm trước (trong đó khách lưu trú tại đảo Cái Chiên đạt 9.476 lượt). Đầu tư được nhiều công trình để làm thay đổi diện mạo phát triển du lịch huyện, đặc biệt xã Cái Chiên đã được đầu tư nhiều công trình trọng yếu như: Bến cảng số 1, số 2, đường bê tông xuyên đảo, hồ chứa nước ngọt Khe Dầu, các tuyến phà, xuồng cao tốc, tàu chở khách, xe điện, cùng công trình nhà tắm tráng tại bãi biển Đầu Rồng và nhiều nhà nghỉ... để phục vụ khách du lịch thăm quan và nghỉ dưỡng trên đảo. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 18,6 tỷ đồng.
Từ đó cho thấy hiệu quả của ngành du lịch, dịch vụ là vô cùng to lớn, đem lại nguồn thu không nhỏ cho bà con nhân dân, giúp nâng cao đời sống và làm giàu chính đáng trên quê hương.
Khu công nghiệp Texhong là một trong những điểm du lịch phụ trợ trong các tuyến điểm du lịch của huyện Hải Hà
4. Định hướng mũi nhọn
Năm 2018, cùng với chủ đề chung của tỉnh Quảng Ninh “Nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên” huyện Hải Hà đã xác định thêm định hướng chung là “Phát triển du lịch huyện Hải Hà”; Mặc dù vậy, du lịch ở Hải Hà hiện nay mới chỉ là khởi điểm bước đầu, chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế vốn có. Đặc biệt hạ tầng về du lịch, các sản phẩm du lịch cũng như các hoạt động phụ trợ cho phát triển du lịch chưa phong phú và đa dạng; Trong đó, phát triển du lịch Hải Hà một cách tổng thể cả chiều sâu và chiều rộng. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch là xác định các sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến với Hải Hà đông hơn. Với định hướng phát triển du lịch mũi nhọn trong thời gian tới, ông Trần Đức Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: “Năm 2018 huyện sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm: tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở tại các khu vực trọng điểm như đảo Cái Chiên, đền – chùa xã Phú Hải... về đường giao thông, phương tiện phục vụ đi lại. Đồng thời, hình thành các điểm du lịch mới như đồi chè Đường Hoa, hồ sinh thái Trúc Bài Sơn, du lịch hệ thống các cột mốc biên giới nằm dọc tuyến kết nối từ xã Quảng Sơn sang huyện Bình Liêu, thăm quan mô hình nông thôn mới tại các xã Quảng Minh, Quảng Thành, hình thành nên khu phố đi bộ tại trung tâm thị trấn Quảng Hà. Cùng với đó, tập trung xây dựng văn hóa phục vụ du lịch của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá cả các loại hình dịch vụ; tổ chức một số lễ hội nhằm tạo điểm nhấn quảng bá hoạt động du lịch chung của huyện; tiếp tục thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng...”
Công viên cây xanh nơi tổ chức các sự kiện lớn của huyện Hải Hà
Trong tương lai không xa du lịch ở Hải Hà sẽ là một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Cùng với đó, sẽ phát triển và hòa cùng với sự phát triển du lịch chung của tỉnh Quảng Ninh, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.