Vị béo ngậy của nước cốt dừa, vị thơm bùi của đậu xanh và những miếng cùi bưởi dai giòn mà không có vị đắng, đó là hương vị đặc trưng hấp dẫn khi nhắc tới món chè bưởi trên phố Trần Bình Trọng, gần ngã tư Hà Cối (thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà).
Quán chè bưởi trên phố Trần Bình Trọng có "thâm niên" gần 20 năm tuổi do anh Nguyễn Hữu Nhơn làm chủ. Anh Nhơn cho biết: Chè bưởi ở đây có vị thơm ngon khác biệt bởi có sự kết hợp hương vị, nguyên liệu đặc trưng của chè bưởi miền Tây Nam bộ và của Hải Hà. Quán chè bưởi này thu hút khá đông thực khách sành ăn mỗi ngày và đi vào ký ức của bao người dân Hải Hà.
Chế biến chè bưởi với các hương vị hoa quả địa phương.
Tới quán chè bưởi, chúng tôi vô tình gặp chị Nguyễn Thị Hiền, Việt kiều Hàn Quốc về thăm quê. Chị Hiền cho biết: “Tôi đi xa quê đã được 9 năm, lúc nào tôi cũng nhớ đến món chè bưởi ở đây. Nhớ như in lúc còn bé, chè bưởi khi đó chỉ 2.000 đồng/cốc. Chè bưởi trở thành phần thưởng của bố mẹ mỗi khi được điểm cao. Có khi tôi dành tiền ăn sáng để cùng bạn bè ra đây ăn chè. Chè ở đây không chỉ ngon miệng mà còn "ngon" trong ký ức của tôi và nhiều người khác”.
Anh Nhơn vui vẻ chia sẻ: Tôi có nhiều kinh nghiệm về các món chè miền Tây Nam bộ, đặc biệt là chè bưởi An Giang. Về Hải Hà, tôi thấy đây là vùng đất phong phú các loại cây ăn quả, thế nên tôi nảy ra ý định kết hợp công thức và các loại nguyên liệu tốt, sẵn có ở địa phương để nấu chè.
Theo đó, anh Nhơn đã dày công phối vị, cách nấu chè bưởi theo phong cách An Giang với vị ngon của bưởi ở xã Quảng Chính cho phù hợp với khẩu vị người địa phương, anh còn kỳ công nhập một số nguyên liệu như cốt dừa, đường thốt nốt... từ miền Tây Nam bộ.
Nguyên liệu để làm chè bưởi rất dễ kiếm như đậu xanh, đường thốt nốt, dừa xay lấy cốt, bột năng, lá nếp... và nguyên liệu vô cùng quan trọng chính là cùi bưởi. Cùi bưởi là nguyên liệu quan trọng nhất quyết định món chè bưởi có ngon hay không. Cùi bưởi cần phải lựa từ bưởi da xanh hoặc bưởi năm roi chín tới, nếu cùi bưởi dày sẽ nhiều gân và khi nấu không được giòn ngon; cùi bưởi non thì món chè sẽ bị đắng, rất khó ăn.
Để làm ra món chè bưởi ngon, khâu sơ chế cùi bưởi là rất quan trọng. Cùi bưởi cần gọt hết phần cùi xanh bên ngoài và những phần gân, sơ bên trong, chỉ lấy phần cùi trắng. Sau đó cắt ra thành các miếng nhỏ vừa ăn, trộn lẫn phần cùi bưởi với 2 thìa cà phê muối ăn, bóp nhẹ và để khoảng 3 tiếng rồi rửa sạch lại nhiều lần với nước cho hết vị đắng, mặn của muối rồi vắt khô. Phèn chua giã nhỏ, hoà tan với một bát nước rồi cho vào nồi đun sôi. Sau đó, cho cùi bưởi vào trần qua và vớt ngay ra ngâm nước lạnh để cùi bưởi giòn, rồi rửa sạch, vớt ra để ráo.
Bát chè bưởi mát lành, món ăn lý tưởng cho mùa hè oi bức.
Bước tiếp theo, ướp cùi bưởi với chút đường cho ngấm, sau đó cho vào chảo đảo đều với lửa thật nhỏ cho tới khi nước cạn hết thì bắc xuống và lăn cùi bưởi qua bột năng. Bột năng sẽ tạo thành một lớp bên ngoài giúp cùi bưởi giữ được vị ngọt và giòn hơn. Đỗ xanh ngâm với nước nóng cho nở và hấp chín mềm. Lá nếp rửa sạch và cuốn lại. Đặt một nồi nước có lá nếp lên bếp đun sôi, sau đó cho thêm chút đường và đổ bột năng đã hoà tan vào tới khi nước có độ sánh và ngọt dịu là được. Sau đó thả cùi bưởi vào và đun cho chè sôi lên. Chờ khi cùi bưởi trong lại, cho khoảng 2/3 đỗ xanh đã hấp chín vào khuấy đều. Khuấy chè phải thật đều tay và kỹ thì mới mang lại độ sánh, ngon, không gây vón cục.
Chế biến cầu kỳ là vậy nên chè bưởi ở đây thật ngon, giòn. Món chè bưởi múc ra bát thêm chút nước cốt dừa, dừa nạo và lạc rang giã nhỏ cùng đá bào chính là món ăn lý tưởng trong mùa hè oi bức. Vì thế, từ lâu, quán chè bưởi nhà anh Nhơn ở Hải Hà đã trở thành điểm tụ tập thưởng thức chè của giới trẻ và của không ít người lớn tuổi muốn tìm lại ký ức ngọt ngào thủa trước.