Ngoài khâu nhục, bánh chưng cơm lông là những món ngon nổi tiếng của mảnh đất Hải Hà làm nức lòng du khách gần xa, thì chính chơi đây còn có một thức uống mà bất cứ ai khi đi ngang qua nơi này cũng sẽ dừng lại để thưởng thức và mua 1 chút về làm quà. Họ còn có câu cửa miệng “đi Hà Cối nhớ mua chè...”.
Hà Cối chính là tên thường gọi của Hải Hà, nơi có vựa chè lớn nhất tỉnh Quảng Ninh nằm cách trung tâm tỉnh Quảng Ninh khoảng 120m km. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, nơi sản sinh ra thứ “Chè Hà Cối” bậc nhất. Có dịp về Hải Hà (Hà Cối ) ngắm những đồi chè xanh mướt như trải dài đến tận chân trời, được cùng các bà các chị đeo gùi đi hái những búp chè mới thấy không khí rộn ràng làm sao, miệng cười nói tay hái chè nhanh thoăn thoắt như không biết mệt mỏi. Chè hái về được xao chế thành những cánh chè khô để bảo quản được lâu hơn. Để có được những gói chè búp thành phẩm đến tay người tiêu dùng là cả một quá trình kỳ công vất vả của những nghệ nhân chế biến chè.
Anh Nguyễn Văn Bình – người dân trồng chè ở xã Quảng Long cho biết mỗi gia đình ở đây đều có vườn chè và máy sao chè, gia đình anh cũng có gần 1 ha để trồng chè, anh thu hoạch mỗi năm từ 13 đến 15 lứa, mỗi lứa thu hoạch khoảng 1tạ. Gia đình anh trồng hai loại chè là chè phúc vân tiên và chè ngọc thúy. Khi tôi hỏi giữa 2 loại chè trên có sự khác nhau gì không, khách thường thích loại nào hơn, anh cho biết cả hai loại chè đều ngon, khi uống đều có mùi thơm êm ái,vị ngọt thanh đọng lại nơi đầu lưỡi. còn thích loại chè nào còn phụ thuộc vào sở thích, cảm nhận của người tiêu dùng. Anh cho hay, chính vì hương vị độc nhất ấy mà đặc sản chè Hải Hà là một món quà cũng như thức uống không hề rẻ, về giá cả tại thời điểm này giá chè được bán khoảng từ 150.000 đồng đến 600.000đồng/1kg.
Chia tay gia đình anh Bình, tôi tìm gặp một nghệ nhân đích thực. Đó là một gia đình trồng chè có quy mô lớn ở thôn 8 - xã Quảng Long, Bác Hoàng Văn Bảy, năm nay 70 tuổi, bác là bộ đội xuất ngũ, sau khi về địa phương bác đã làm nghề trồng chè từ năm 1980. Từ khi Bác làm nghề này cho đến nay bác đã đúc kết cho mình nhiều kinh nghiệp quý báu trong việc trồng, chế biến chè.
Tâm sự với tôi, bác Bảy cho biết. Gia đình bác có khoảng 1 ha chè. Để có được chè ngon phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phải được thiên nhiên ưu đãi, chất đất, độ ẩm, có lẽ đất ở đây rất phù hợp với loại cây này. Để sản xuất được chè ngon không phải ai cũng làm được, điều quan trọng chè phải được hái từ rất sớm, chè phải dựng bằng sọt che, Nếu đựng bằng bao ni long để lâu sẽ bị ôi chè. Hái búp chè cũng phải đúng cách “một tôm hai lá, một cá hai chừa” để lấy được phần ngon nhất của búp chè. Một khâu quan trọng nữa búp chè hái về phải chế biến ngay theo đúng quy trình kỹ thuật. Sao, vò rồi lại sao, mà phải làm liên tục. Trò chuyện với tôi nhưng bác vẫn không quên công việc của mình, đôi tay vẫn thoăn thoắt lướt bên cạnh máy sao chè. Đến nhà Bác và có cảm nhận nhà cửa bác rất khang trang, sạch đẹp, gia đình bác có cả ô tô. Khi được hỏi thì bác cho biết có được những cái đó cũng đều có được nhờ việc trồng chè. Thực sự việc cần cù, chăm chút, tỉ mỉ lưu giữ hương vị chè của người dân nơi đây đã được đến đáp một cách xứng đáng.
Hương vị đặc sản chè Hà Cối cũng như nói lên nỗi niềm của biết bao con người đã dày công vun đắp lên những nương chè là niềm tự hào của cảnh sắc tự nhiên, là niềm tự hào của mỗi vùng đất. Vị trà chát và đắng đặc trưng như được thấm trong đó những giọt mồ hôi,những giọt nước mắt của người dân Hà Cối tự bao đời, những người đã làm nên thương hiệu không thể mờ nhạt trong tiềm thức của người dân Quảng Ninh và trong lòng du khách thập phương.
Hồng Nhung
(Trung tâm TT&VH Hải Hà)