Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án với những tiềm năng, lợi thế của một huyện miền núi nằm ở phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh, cùng với những định hướng và chủ trương sát với điều kiện thổ nhưỡng, phát triển kinh tế của từng địa phương đến nay chương trình mỗi xã phường một sản phẩm của huyện Hải Hà đạt được kết quả tích cực. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện đã thành lập Ban điều hành và tổ giúp việc cho ban điều hành “mỗi xã phường một sản phẩm” để đôn đốc, hướng dẫn và triển khai tại các xã trên địa bàn nhằm thay đổi diện mạo kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, có quy mô, đảm bảo về chất lượng và số lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thương hiệu, uy tín trong và ngoài huyện.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, có nhiều cách làm hay, sáng tạo đến nay trên địa bàn huyện Hải Hà đã có 14 sản phẩm tham gia chu trình OCOP của 14 tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến và cung ứng ra thị trường với nhiều sản phẩm chất lượng và cho hiệu quả kinh tế cao như chè đường hoa, trà hoa vàng, mía tím, chanh đào, bánh kẹo xuân thế, bánh trưng cơm lông, vịt trời .... tất cả các sản phẩm trên đều thực hiện theo đúng chu trình OCOP, đảm bảo về chất lượng, có mẫu mã, bao bì và nhãn mác. Để thực hiện tốt đề án “Mỗi xã phường một xã sản phẩm” huyện Hải Hà đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện, đồng thời tuyên truyền vận động và hỗ trợ việc ứng dụng chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất, ưu tiên hỗ trợ cho vùng sản xuất tập trung; Tổ chức phối hợp với các đơn vị tư vấn thực hiện hỗ trợ xây dựng các mô hình, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ mẫu mã bao bì sản phẩm, dịch vụ sở hữu trí tuệ và tổ chức tập huấn cho các cơ sở, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhằm đào tạo, nâng cao năng lực, nắm chắc quy trình tổ chức sản xuất, thực hiện quản lý đầu tư mở rộng phát triển sản xuất cho đội ngũ lãnh đạo, kỹ thuật của các cơ sở và người dân tham gia sản xuất. Vì vậy đến nay nhiều mô hình được triển khai thực hiện có hiệu quả kinh tế cao và sức bán ra thị trường tương đối lớn, tạo được uy tín và thương hiệu với người tiêu dùng như chè Đường Hoa, bánh kẹo xuân thế, chanh đào, trà hoa vàng ...
Trong 14 sản phẩm OCOP của huyện Hải Hà thì Chè Đường Hoa đã có mã số, mã vạch, mẫu bao bì; bánh kẹo Xuân Thế đã được đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, mã số, mã vạch, VSATTP; còn lại 12 Sản phẩm hiện đã được chứng nhận vệ sinh ATTP đang được thiết kế chỉnh sửa in ấn, mẫu mã, bao bì và nhãn mác. Đặc biệt có 01 sản phẩm chè Quảng Long được xếp hạng cấp tỉnh. Bên cạnh đó huyện còn thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ, lãi suất tín dụng. Có 10 dự án đang triển khai với tổng kinh phí trên 10.186 triệu đồng, kinh phí ngân sách hỗ trợ trực tiếp 4.042,1 triệu đồng, vốn của nhà sản xuất là 5.994,25 triệu đồng, hiện nay còn 03 dự án đang triển khai như Cam V2 Quảng Thành, nâng cao chất lượng chè Quảng Long. Huyện cũng tập trung chỉ đạo quy hoạch các vùng sản xuất tập trung quy mô cấp huyện như dự án rau sạch Quảng Minh, vùng nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi lợn thương phẩm ...
Nhằm mở rộng và triển khai đề án, năm 2017 huyện Hải Hà tiếp tục có thêm 8 sản phẩm tham gia chu trình OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn như Sá Sùng Quảng Trung, rượu khoai Quảng Phong, gạo chất lượng cao, gà râu, trứng vịt trời, măng mai trúc bài sơn... hiện đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm.
Nhằm quảng bá, giới thiệu và cung ứng ra thị trường các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương có chất lượng cao, huyện đã chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại, hiện nay tại Trung tâm trưng bày và bán các sản phẩm nông sản của huyện Hải Hà luôn có từ 10 – 12 sản phẩm được giới thiệu và bày bán, hàng năm huyện tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại mang tầm quốc tế với tổng doanh thu bán hàng tại các hội chợ đạt trên 637 triệu đồng tập trung vào các mặt hàng như Bánh trưng cơm lông, các thu một nắng, khâu nhục, bánh kẹo Xuân Thế, chè Đường Hoa đã có sức cạnh tranh trên thị trường được người tiêu dùng trong và ngoài huyện biết đến, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của địa phương. Để hiện thực chương trình OCOP đạt hiệu quả cao, thời gian tới huyện Hải Hà tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình sản xuất kinh doanh lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, cho hiệu quả kinh tế vào sản xuất, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm OCOP của huyện, tiếp tục đầu tư phát triển vùng sản xuất tập trung, khuyến khích thành lập các đơn vị tham gia chương trình OCOP từng bước tạo uy tín thương hiệu các cho sản phẩm nông sản của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế góp phần hoàn thành mục tiêu “mỗi xã phương một sản phẩm” trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Hải Hà đến năm 2020.
Thái Hà (Trung tâm TT&VH Hải Hà)