Cây mía tím từ xưa vốn đã được trồng nhiều ở các vùng canh tác quy mô lớn như Hoành Bồ, Ba Chẽ, Hải Hà v.v.. Và mới đây, một sản phẩm từ cây mía tím do một số cơ sở chế biến ở Hải Hà sản xuất đã xuất hiện trên thị trường, được người tiêu dùng ưa thích; đó là mía tím đóng gói, hút chân không...
Sản phẩm mía tím Hải Hà mang một vị ngọt rất riêng
Theo bà con nông dân địa phương, cây mía tím ở Hải Hà đã xuất hiện trên đồng ruộng từ những năm 1978, khi những người nông dân các tỉnh phía trong ra đây xây dựng quê hương mới. Do phù hợp với điều kiện sinh thái, chất đất, mía tím Hải Hà phát triển rất tốt. Từ đó cây mía ngày càng được người dân trồng nhiều. Và đặc biệt, với sự cần cù, tìm tòi trên cơ sở kinh nghiệm bao năm của người nông dân, việc trồng cây mía tím ở Hải Hà đã có nhiều thay đổi, sáng tạo trong canh tác, như thay vì trồng mía bằng gốc như trước thì bà con đã trồng bằng ngọn... Đổi thay này đã cải thiện được phẩm chất, cây mía ngon ngọt hơn, năng suất cũng cao hơn. Mía tím Hải Hà có đặc trưng màu tím đậm, cây thẳng, dóng dài, các lóng tròn đều, độ ngọt mát, thơm, mềm và giòn, không bị xốp như các loại mía tím ở các vùng khác. Trong những năm gần đây, cây mía tím đang dần trở thành cây kinh tế chủ lực của bà con nông dân, bởi hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây nông nghiệp khác. Trung bình trồng mía tím đưa lại thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa và rau màu khác. Hiện Hải Hà là địa phương có diện tích trồng mía tím lớn nhất Quảng Ninh với khoảng 200ha, trong đó trồng nhiều nhất ở xã Quảng Chính.
Để nâng tầm thương hiệu, đưa sản phẩm mía tím đi xa hơn, Hải Hà đã xây dựng mía tím thành sản phẩm OCOP của huyện. Tháng 3-2014, sản phẩm cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Mía tím Quảng Ninh” số 221460 theo Quyết định số 15063/QĐ-SHTT ngày 18-3-2014 do Hội Sản xuất và kinh doanh mía tím Quảng Ninh là chủ sở hữu. Hoàn thành xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm mía tím Hải Hà lại được mở rộng, đa dạng hoá hình thức sản phẩm. Không chỉ cung cấp trong huyện và các vùng lân cận, nay sản phẩm đã xuất bán vươn tới nhiều địa phương, cả trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Một trong những nét mới mà nhiều địa phương chưa làm được; đó là việc đổi mới hình thức sản phẩm, đa dạng hoá hình thức tiêu thụ cây mía tím của huyện Hải Hà. Năm 2014, sau khi được cấp chứng nhận, Hội Sản xuất mía tím Quảng Ninh (cơ sở Hải Hà) đã được quan tâm đầu tư nhà xưởng, dây chuyền máy móc trị giá trên 400 triệu đồng nhằm cơ giới hoá, khép kín các quy trình dóc, chặt và đóng gói để cho ra sản phẩm quy chuẩn, đạt yêu cầu về vệ sinh.
Ông Đinh Ngọc Toàn, Chủ nhiệm cơ sở sản xuất mía (thôn 5, xã Quảng Chính, Hải Hà) cho biết: Mía tím được thu mua của nhân dân, lựa chọn những cây ngon nhất, lóng dài, cho vào máy dóc, bỏ đầu mấu, cắt dài đều khoảng 2-3 phân. Sau đó, mía được lựa chọn cho vào đóng gói, hút chân không, trọng lượng khoảng 600 gam. Nhờ vậy sản phẩm có một diện mạo mới, tiện mang đi xa hơn, bảo quản dài hơn, từ 5 ngày - 1 tuần.
Như vậy, sản phẩm mới đảm bảo vệ sinh, mỹ quan và bảo quản được lâu hơn so với hình thức cho vào túi xách như trước đây. Nhờ sự đổi mới này mà trung bình cơ sở này sản xuất và bán ra thị trường khoảng 500 túi/ngày, đưa lại thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Cơ sở có thể đáp ứng nhu cầu đặt hàng với công suất tối đa trên 1.000 túi/ngày. Việc sản xuất theo hình thức sản phẩm mới không những tạo thêm được công ăn việc làm cho lao động địa phương mà còn tìm được đầu ra ổn định, giá trị hơn so với cách tiêu dùng truyền thống, mở ra hướng đi mới cho cây mía tím.
(Nguồn báo Quảng Ninh)